Không thể trì hoãn đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh

Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ở thời điểm hiện tại, thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược

Phát biểu tại Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore lần thứ hai (VSBF 2022) với chủ đề: “Thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh” ngày 20/5, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.

phat trien ben vung

Chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện.

Trong bối cảnh đó, thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân.

Bà Phạm Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VietStar), đồng thời là Giám đốc VSBF cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phát triển bền vững với lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh lâu dài, chứ không xem đây như một sự đánh đổi.

Những tổ chức và nhà lãnh đạo đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh sẽ có sức bật mạnh hơn, hưởng lợi ích từ việc áp dụng những thông lệ kinh doanh hiệu quả, tăng cường tương tác với các bên liên quan, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất tài chính dài hạn cao hơn và kiến tạo giá trị tốt hơn.

Ông Trần Văn Tùng thông tin thêm, chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năng lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục.

Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, tổng công suất nguồn điện sạch bao gồm thuỷ điện và điện khí sẽ chiếm 73% vào năm 2030 và 88% vào năm 2045 (không bao gồm các nhà máy điện than chuyển đổi nhiên liệu biomas/amoniac).

Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm.

Các chính sách, cơ chế, giải pháp của Việt Nam thời gian qua được tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup ecosystem) đã hình thành và phát triển nhanh, đa dạng gồm: 79 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp; 40 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp; 138 trường đại học có không gian sáng tạo dành cho sinh viên khởi nghiệp; 291 khu công nghiệp; 4 khu công nghệ cao quốc gia…

“Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nói.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, Lãnh đạo Tập đoàn PVN khẳng định PVN có trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.

Theo đó, PVN đã xây dựng chiến lược phát triển với định hướng trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam và khu vực; ưu tiên mở rộng phát triển các nguồn năng lượng sạch bền vững như khí tự nhiên/LNG, điện gió ngoài khơi…

Thanh Nguyễn

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/khong-the-tri-hoan-dua-tinh-ben-vung-vao-trong-tam-chien-luoc-kinh-doanh-162857.html

Bài viết liên quan