Bản tin Kinh tế – Tài chính hàng tuần

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung bắt đầu

Mỹ đã chính thức áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc, có trị giá lên tới 34 tỉ đô la Mỹ, từ ngày 6.7. Để đáp trả, Trung Quốc cũng tuyên bố đánh thuế đối với giá trị hàng hoá tương đương nhập khẩu từ Mỹ.

Hơn 800 loại hàng hóa với tổng giá trị lên tới 34 tỉ đô la Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc chính thức bị Mỹ áp mức thuế nhập khẩu lên đến 25%. Các mặt hàng bị đánh thuế bao gồm nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp như thiết bị điện tử, phụ tùng và trang thiết bị lắp ráp các phương tiện giao thông…

Trung Quốc đáp trả bằng biện pháp tương đương khi thực hiện áp thuế 25% đối với danh mục hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó chủ yếu là hàng hóa nông nghiệp và năng lượng, trị giá 34 tỉ đô la Mỹ. Mức thuế này có hiệu lực cùng ngày với thay đổi mức thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc.

“Chiến tranh thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu.

Trong một thông cáo, Bộ thương mại Trung Quốc cho rằng: “Mỹ đã vi phạm các quy định của WTO và châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế.”

Việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu sẽ gây tổn hại đến các nhà sản xuất công nghiệp của Mỹ như 3M, Apple, Boeing, Caterpillar, General Electric hay United Technologies. Các công ty này phụ thuộc vào thương mại quốc tế nhiều hơn, Nicholas Atkeson và Andrew Houghton, hai nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Delta có trụ sở tại San Francisco đưa ra nhận định trên Forbes.

Người tiêu dùng Trung Quốc có nguy cơ sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho các loại hàng hóa mà trước giờ Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ như thịt bò, gà và các sản phẩm từ sữa… bởi các nhà phân phối Trung Quốc rất có thể sẽ ngưng nhập khẩu các loại hàng hóa này, thay vì phải tăng giá bán hàng hóa.

Thị trường toàn cầu trong đó có thị trường Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại này, trong số đó có thị trường chứng khoán, bởi sự e ngại của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định của hai cường quốc hàng đầu thế giới.

                                                                                                                      (Nguồn Forbes)

Lo sợ tăng khi thị trường chứng khoán VN sụt kỷ lục

Giới đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu của Việt Nam do lo ngại hậu quả tồi tệ từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bất cứ ai đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian này hẳn phải có thần kinh thép, theo Bloomberg.

Sau khi giảm 26% từ mức tăng kỷ lục trong tháng Tư, chỉ số VN Index của Việt Nam tiếp tục biến động chưa từng thấy trong hơn 8 năm qua.

Chỉ số này, từng được xem là ổn định nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ vài tháng trước.Tâm lý nhanh chóng đảo chiều khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, khiến giá đồng đô la Mỹ tăng vọt và đồng Việt Nam lao dốc.

Người nước ngoài bắt đầu bỏ chạy khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam. Việc này trở nên tồi tệ hơn khi lo ngại ngày càng gia tăng về hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bernard Lapointe, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Sự biến động sẽ tiếp diễn, điều đó là bình thường ở giai đoạn này”.

Sau sáu năm tăng liên tiếp vượt mức 6%, VN Index bước vào ranh giới Thị trường Gấu (Bear market) vào tháng Năm. Dù đã tăng nhẹ lên 12% vào đầu tháng Sáu, sự cải thiện này không kéo dài. Biến động tiếp tục gia tăng.Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa hôm thứ Tư 11/7 ở mức thấp nhất kể từ tháng 11, trong khi hầu hết các thị trường khu vực vẫn tăng đều. Sau khi đạt mức kỷ lục của năm vào tháng Tư, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 25,4 tỷ đô la khi các nhà đầu tư quốc tế dành 3/4 thời gian của họ rút tiền trong ba tháng qua.

Đối với ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Quỹ Dragon Capital Group Ltd., giá cổ phiếu đang rẻ đi với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng dừng ở mức 26% trong năm nay.”Về cơ bản vẫn rất tích cực,” ông nói từ thành phố Hồ Chí Minh. “Nền kinh tế vĩ mô dường như rất ổn định: lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao trong khi FDI vẫn đổ vào,” ông nói, đề cập đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam.

Các nhà kinh tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 và 6,7% trong năm 2019.Nhưng điều đó không giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khỏi bị tác động dữ dội bởi những biến động trên thế giới.

                                                                                                               (Nguồn BBC News)

Tiệm tạp hóa truyền thống ngày càng bi quan

Báo cáo mới công bố của Nielsen Việt Nam cho thấy, chỉ số lạc quan của các cửa tiệm tạp hóa truyền thống tiếp tục giảm sút trong quý 1.2018, đặc biệt ở khu vực thành thị.

Nielsen cho biết đây là mức giảm sút thấp nhất về chỉ số lạc quan của người bán cửa hàng tạp hóa trong vòng hai năm qua, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Kết quả mà Nielsen đưa ra được thực hiện từ việc khảo sát hơn 800 cửa hàng tạp hóa truyền thống trên khắp Việt Nam.

Theo Nielsen, tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa truyền thống đóng góp trung bình khoảng 83% doanh thu, tương đương gần 10 tỉ đô la Mỹ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Chỉ số lạc quan của các cửa hàng tạp hóa bán lẻ truyền thống Việt Nam theo phân tích của Nielsen đã giảm trong những năm gần đây, đặc biệt là khu vực thành thị.

“Đi ngược với xu hướng của các nhà bán lẻ truyền thống, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng lại tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong quý 1.2018. Sự lạc quan của người tiêu dùng về tình trạng tài chính không dẫn đến sự gia tăng sức mua ở kênh thương mại truyền thống”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao – BP Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết qua báo cáo.

Ông Dũng nhận định người tiêu dùng đang ưu tiên rót vào những khoản chi tiêu lớn hơn. Trong đó, du lịch, xe máy, điện thoại, đồ gia dụng là những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Việc phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng tiện lợi cùng với sự xuất hiện của các hình thức mua sắm khác như thương mại điện tử mang đến nhiều lựa chọn mua sắm hơn cho người tiêu dùng. Tính đến quý 1.2018, riêng TP.HCM có hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam.

                                                                                                           (Nguồn Forbes)

Góc nhìn chuyên gia:

Nhân dân tệ mất giá ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Trao đổi tại một cuộc hội thảo gần đây, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra nhận định trước thực trạng trên rằng khi đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến cho hàng hoá Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn tạo nguy cơ hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam. Đây là điều Việt Nam cần phải hết sức chú ý và xem xét cẩn trọng trong thời gian tới.

Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần có các biện pháp để ứng phó với vấn đề này. Phải kiểm soát thương mại qua biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, bên cạnh đó cần phải có những biện pháp hợp tác để kiểm soát được luồng hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Hiện Trung Quốc đang là quốc gia mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất tới 58,6 tỷ USD năm 2017. Khi hàng hoá Trung Quốc rẻ bất ngờ do đồng CNY giảm giá mạnh, nguy cơ gia tăng nhập siêu của Việt Nam là rõ ràng, điều này không tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, đang có những lo ngại về việc hàng hoá Trung Quốc sẽ “núp bóng” nhãn hiệu Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu điều này thực sự xảy ra sẽ rất ảnh hưởng tới hoạt động cũng như uy tín, mối quan hệ của nhiều doanh nghiệp Việt đối với cộng đồng quốc tế.

Về các giải pháp cấp thiết hiện nay, Chính phủ và doanh nghiệp cần song hành có những giải pháp chung, riêng để tương hỗ lẫn nhau. Không thể thiếu vắng vai trò của Chính phủ trong những vấn đề căng thẳng hiện nay. Về phía Chính phủ cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với doanh nghiệp Trung Quốc mà cả những doanh nghiệp các khu vực khác.

Về phía doanh nghiệp, ngoài những việc trông chờ từ phía Chính phủ cần phải “tự lực cánh sinh” là điều trên hết, trong “cái khó ló cái khôn”, đặc biệt tăng cường chiếm giữ thị trường trong nước bằng những sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp Việt.

                                                                                                  (Nguồn Cafef)

Doanh nghệp Việt chật vật tham gia chuỗi ngành hàng

Phần đông doanh nghiệp trong nước chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, giá cả sản phẩm để tham gia chuỗi cung ứng ngành hàng. Cho nên, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI thường mang theo các công ty cung ứng. Xu hướng này càng làm thu hẹp cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiến sâu vào các chuỗi cung ứng.

Trong xu thế xuất khẩu tăng trưởng, nhưng tỉ lệ tham gia đóng góp của các doanh nghiệp nội địa trong các ngành hàng còn thấp là điều vô cùng uổng phí. Dù rằng sự tiến triển trong tỉ lệ nội địa hoá vẫn đang diễn ra nhưng còn rất chậm chạp.

Trong hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu tổ chức hồi tháng 4/2018, theo thông tin chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu đang dần được cải thiện. Đơn cử như đến cuối năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã đạt trên 50%. Hoặc, theo thống kê của Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam (Lefaso), tỷ lệ nội địa hóa của ngành này cũng đạt khoảng 45%. Song, bên cạnh hai ngành được đánh giá là có tỷ lệ nôi địa hóa khả quan thì các ngành nghề khác còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, ngành điện tử, cơ khí, dù triển vọng thị trường tốt cả ở trong nước lẫn xuất khẩu nhưng gần như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chen chân được vào. Giá trị xuất khẩu vẫn do khu vực doanh nghiệp FDI chiếm giữ, hơn 70%.

Thêm vào đó, một vấn đề mà đến nay vẫn chưa khắc phục được là, dù cho một trong những mục tiêu thu hút FDI là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội cải thiện năng lực thông qua tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. Các doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm của đơn vị đã có lịch sử làm đối tác. Đơn cử, Samsung hiện đang chuẩn bị đưa 200 doanh nghiệp cung ứng đầu tư vào Việt Nam thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa để phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình ở Việt Nam. Do vậy, việc tiếp cận được doanh nghiệp FDI đầu cuối với doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Như phân tích của các doanh nghiệp thấy rằng, năng lực sản xuất của họ còn hạn chế nhiều là do nội lực còn yếu nhưng các yếu tố bên ngoài chưa tạo được nhiều lực xúc tác. Không chỉ đói vốn, chi phí sản xuất cao, mà chính sách cũng là vấn đề tạo áp lực lớn với doanh nghiệp các ngành. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần tháo gỡ nhanh chóng những điểm nghẽn, thắt nút để giúp cho hoạt động sản xuất – kinh doanh thuận lợi hơn.

                                                                                                               (Nguồn Vn Economy)

Bản tin Kinh tế tài chính Vietstar hàng tuần được tổng hợp và xây dựng dựa trên các trang kinh tế hàng đầu thế giới và Việt Nam như BBC, CNN, Reuters… với mong muốn cập nhật những thông tin kinh tế và tài chính cập nhật trong tuần.

VIETSTAR TRAINING AND CONSULTING JSC

Bài viết liên quan