Thương mại điện tử Việt Nam dự báo đạt 2.5 tỷ đô la Mỹ năm 2020
Đô thị hóa cùng với sự phát triển của internet, thu nhập bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế là những yếu tố khiến cho thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Việt Nam.
Nếu như giá trị thương mại điện tử trong năm 2012 mới chỉ đạt gần năm nghìn tỉ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên gấp năm lần và đạt mức 25.7 nghìn tỉ đồng, theo số liệu của Euromonitor. Với tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 33%/năm, dự kiến giá trị thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mốc 106 nghìn tỉ đồng trong năm 2022, tương ứng với khoảng 4,6 tỉ đô la Mỹ
Theo dự đoán của danso.org, đến năm 2020, dân số thành thị của Việt Nam sẽ ở mức 36.4 % và tăng lên thành 41,6% vào năm 2030. Tăng trưởng kinh tế cũng là động lực của thương mại điện từ. Tính riêng sáu tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã trên 7%.
(Nguồn: Forbes)
Ý nghĩa kinh tế của việc dùng NDT trong thương mại VN-TQ
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông qua Thông tư 19 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) ở bảy tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam nhằm giúp phát triển buôn bán giữa hai nước.
Phân tích của việc ảnh hưởng của thông tư 19 đối với nền kinh tế trong nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, Strasbourg, Pháp nhận định: Trước hết, Nhân Dân Tệ (NDT) là đồng thanh toán quốc tế. Quỹ ÌM đã đưa nhân dân tệ vào giỏi các đồng tiền dự trữ quốc tế từ năm 2016 bên cạnh đô la Mỹ, Euro, bảng Anh và yên Nhật. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (như các Ngân hàng Trung ương châu Âu, Pháp, Đức, Malaysia..) cũng đã bắt đầu cơ cấu một phần dự trữ ngoại hối của mình bằng NDT. Dù con số còn rất khiêm tốn so với USD hay Euro, ta có thể dễ dàng tìm thấy các con số chính thức về dự trữ ngoại hối bằng NDT của các nước trên mạng và trong các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế.
Ông nhấn mạnh, việc sử dụng một đồng tiền của nước ngoài trên một số địa phận lãnh thổ của một quốc gia đã có trên thực tế.
Đồng NDT còn ít sử dụng trong thanh toán quốc tế so với USD, nhưng nếu áp dụng được một phần cho thanh toán giữa Việt Nam và Trung Quốc, sẽ góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phải chuyển đổi tiền giữa VND và USD (vì tránh được rủi ro do tỷ suất và phá giá), và qua đó giúp gia tăng thông thương giữa hai nước.
(Nguồn: BBC)
Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Đối đầu thương mại Mỹ – Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam vẫn là câu hỏi bao trùm nhiều phiên tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội.
Nhắc tới Việt Nam, ông Kevin Sneader – đại diện đến từ McKinsey cho rằng, sẽ có căng thẳng nhất định khi Việt Nam là quốc gia xuất – nhập khẩu lớn thứ hai vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế so sánh với Trung Quốc như nhân công rẻ hơn.
Trung Quốc lâu nay vẫn được coi là công xưởng của thế giới, song đại diện McKinsey cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ là “cơ hội cho hoạt động sản xuất, đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam”.
“Cuộc chiến thương mại là thực tế hiện hữu, nhưng nếu liên kết nội khối ASEAN chặt chẽ hơn thì có thể giải quyết được mọi vấn đề”, ông Sneader bình luận. Đồng thời ông cũng nói thêm, sự liên kết chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tạo mạng lưới sản xuất theo chuỗi… sẽ là cánh cửa để các quốc gia ASEAN ứng phó cuộc chiến Mỹ – Trung đang leo thang.
Trong cuộc phỏng vấn trước thềm WEF lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng kết hợp các thoả thuận thương mại và cải cách trong nước để vượt qua những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc.
“Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển”, lãnh đạo Chính phủ nói và khẳng định Việt Nam muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc.
(Nguồn: VN Express)
Mỹ đã vũ khí hóa đồng USD bằng cách nào?
Đối diện với mối đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh, Mỹ đã vũ khí hóa đồng USD để duy trì vị thế kinh tế và địa vị chính trị toàn cầu của mình.
Vai trò then chốt của đồng USD cho phép Mỹ dễ dàng hỗ trợ tài chính trong tình trạng thâm hụt thương mại và ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ còn được bảo vệ khỏi khủng hoảng cán cân thanh toán, bởi vì nước này nhập khẩu và làm dịch vụ bằng cách vay chính đồng nội tệ của mình. Chính sách tiền tệ của Mỹ, chẳng hạn như nới lỏng định lượng, có thể gây ảnh hưởng đến giá trị của đồng USD nhằm giúp Mỹ đạt được lợi thế cạnh tranh.
Bất kỳ hoạt động thanh toán nào bằng đồng USD đi qua ngân hàng hoặc hệ thống thanh toán của Mỹ đều cung cấp thông tin liên hệ cần thiết để nước này truy tố người phạm tội hoặc hành vi gây tổn hại đến tài sản của người Mỹ. Điều đó mang lại cho Mỹ khả năng tiếp cận ngoại vi đối với cả những giao dịch không phải của công dân Mỹ với bên bị xử phạt. Một khi đã bị Mỹ truy tố, đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất ổn định tài chính, thương mại, tiền tệ và hiệu quả kinh doanh bị phá vỡ.
Hầu hết các ứng cử viên đều lưỡng lự trong việc đảm nhận vai trò của đồng tiền dự trữ toàn cầu vì những căng thẳng giữa chính sách quốc gia và chính sách kinh tế toàn cầu.
Theo nhà kinh tế học Robert Triffin, quốc gia có tỷ giá hối đoái là đồng tiền dự trữ toàn cầu phải đáp ứng được nhu cầu cho giao dịch ngoại hối bên ngoài. Để làm được điều này bắt buộc phải kiểm soát thâm hụt thương mại lớn và đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong chính sách thương mại của Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện tại chỉ Mỹ mới có khả năng thực hiện nhiệm vụ đó.
(Nguồn: Thanhnien.vn)
Góc nhìn chuyên gia: Đường đi của lãi suất thời gian tới sẽ như thế nào?
Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà nhiều ngân hàng lớn cũng đã “nhập cuộc”, tăng lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian vừa qua. Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản có phần eo hẹp trong nhiều tuần liền đã đẩy lãi suất tăng cao, lên trên 4% trong suốt hơn 6 tuần.
Xu hướng này xuất phát từ nguyên nhân gì và đường đi của lãi suất trong thời gian tới sẽ ra sao? Chuyên gia tài chính- Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ đã có một số nhận định về hướng đi của lãi suất trong thời gian tới. Theo ông, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 6 năm nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới vì giá xăng dầu và giá thịt lợn sẽ khó tăng mạnh sau khi đã đạt mức cao. Mặc dù làm phạt cơ bản có xu hướng tăng trong 2 tháng qua do tác động của tỷ giá, những sẽ vẫn ở mức dưới 2% trong trung hạn, nếu tỷ giá được điều hành ổn định trong thời gian tới. Vì lạm phát tổng thể sẽ xoay quanh lạm phạt cơ bản trong trung-dài hạn, nên áp lực của lạm phát lên lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm dần.
Về chính sách giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép sử dụng để cho vay dài hạn, khả năng NHNN sẽ không trì hoãn thêm nữa. Tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt nam hiện đã đạt mức 130%, thuộc hàng cao trên thế giới, nên bất kỳ rủi ro nào liên quan đến tín dụng, trong đó có rủi ro về kỳ hạn, cũng cần được lưu ý. Bởi vậy, sức ép lên lãi suất dài hạn khả năng sẽ khó giảm.
Về tỷ giá, mặc dù khó có thể đoán định về xu hướng của các đồng tiền trên thế giới trong thời gian tới, nhưng thông điệp của NHNN là rất quan trọng. Nếu NHNN kiên trì điều hành tỷ giá với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thì sức ép của tỷ giá lên lãi suất sẽ không lớn. Nhưng nếu thông điệp của NHNN được hiểu là điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, thì tình hình sẽ phức tạp và khó dự đoán hơn nhiều.
(Nguồn: CafeF)
Chủ tịch WEF ấn tượng với sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) diễn ra ngày 13/9, bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, Chủ tịch WEF – ông Borge Brende chúc mừng Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong 8 năm qua, kể từ khi WEF lần đầu được tổ chức tại Việt Nam năm 2010.
Ông Brende cũng ấn tượng với nhiều cải cách kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Đầu tiên là biện pháp kiểm soát nợ công của Việt Nam, đảm bảo tài chính công bình vững. “Kết quả này không phải bất kỳ đất nước phát triển nào cũng làm được”, ông nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có bước đi cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường quản trị ở các tập đoàn yếu kém. Ấn tượng thứ hai là hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có giải pháp giảm nợ xấu, đảm bảo tính minh bạch trên thị trường tài chính. Thứ ba là lĩnh vực thương mại đã phát triển nhanh, mạnh khi đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn, điển hình là CPTPP vừa được ký tháng 11 năm ngoái.
Cuối cùng là ấn tượng với cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. “Chính phủ Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng, không tự mãn. Hơn thế nữa, Việt Nam đang tiếp tục cải cách đảm bảo tăng trưởng trong tương lai”, ông nhận xét.
Ông cũng chỉ ra khó khăn với Việt Nam là “đối mặt với những đổi mới như Internet vạn vật, tiền ảo…”. Tuy nhiên, quốc gia tận dụng những nhân tố này sẽ thành công trong tương lai.
(Nguồn: VN Express)
Bản tin Kinh tế tài chính VietStar hàng tuần được tổng hợp và xây dựng dựa trên các trang kinh tế hàng đầu thế giới và Việt Nam như BBC, CNN, Reuters… với mong muốn cập nhật những thông tin kinh tế và tài chính cập nhật trong tuần.
VietStar – Chia sẻ tri thức – Gắn kết doanh nhân
VIETSTAR TRAINING AND CONSULTING JSC